TIN TỨC

BỆNH HOẠI TỬ GAN TRÊN TÔM

BỆNH HOẠI TỬ GAN TRÊN TÔM

Nguyên nhân:
–          Bệnh do vi khuẩn có kích thước nhỏ, gram (-) và là những vi khuẩn kí sinh nội bào.
–          Chúng có 2 dạng chính, một loại dạng hình que nhỏ, không có tiên mao, một dạng que dài hơn, xoắn ốc, có 8 tiên mao ở một đầu của vi khuẩn và một hoặc hai tiên mao trên đỉnh xoắn ốc.
–          Tác nhân gây bệnh ở tôm là một giống vi khuẩn có tên Proteobacteria. Ngoài ra vi khuẩn Vibrio có thể là tác nhân cơ hội tham gia vào bệnh này.
–          Ngoài vi khuẩn kể trên, trong thực tế tôm nuôi còn có thể bị bệnh hoại tử gan nhưng lại có nguyên nhân cảm nhiễm của 1 hay vài loại virus khác nhau như: HPV, MBV.
Triệu chứng:
–          Tôm bị bệnh sẽ giảm bắt mồi hay bỏ ăn, ruột rỗng, sinh trưởng chậm, hệ số chuyển đổi thức ăn cao, tỷ lệ giữa trọng lượng và chiều dài nhỏ, vỏ mềm, mang đen tối. Bề mặt cơ thể bám đầy các sinh vật cơ hội.
–          Tôm bị bệnh hôn mê, lờ đờ, gan tụy bị hoại tử và có màu trắng nhợt khác biệt với màu nâu vàng bình thường, có các vệt sọc nâu đen trên mô gan tụy, gan tụy mềm, dễ nát vụng hay hóa lỏng, trung tâm gan chứa nước.
–          Tôm sú bị bệnh teo gan còn thể hiện dấu hiệu gan tụy teo nhỏ và chai cứng, tôm bỏ ăn, rất chậm lớn và có thể chết rải rác tới hàng loạt. Tôm bị bệnh hoại tử gan thường rất nhậy cảm với các chất độc từ môi trường.
Cách phòng trị bệnh:

–          Làm tốt công tác sát trùng bể, ao và các dụng cụ trước mỗi đợt sản xuất.
–          Nguồn nước phải được sát trùng bằng các phương pháp khác nhau như: phương pháp cơ học (lọc), phương pháp hóa học (xử lý bằng các thuốc sát trùng), phương pháp lí học (dùng đèn cực tím), phương pháp sinh thái, phương pháp sinh học để tiêu diệt và kìm hãm sự phát triển của Vibrio…
–          Thay nước đáy trong ao thâm canh, cần lựa chọn thức ăn có chất lượng tốt, xác định khẩu phần thức ăn chính xác, tránh dư thừa. Trong nuôi thâm canh không dùng thức ăn tươi sống.
–          Dùng chế phẩm vi sinh để cân bằng sinh thái trong hệ thống nuôi và giảm lượng chất thải hữu cơ trong ao, bể, kìm hãm sự phát triển của Vibrio gây bệnh cụ thể dùng SUPER-BIO

 

–          Làm tăng hệ miễn dịch tự nhiên của tôm bằng quản lý môi trường tốt và bổ sung một số sản phẩm như: VITAMIN C, MEN-BIO.
–          Đặc biệt cần quan tâm đến sức khỏe của tôm nuôi trong điều kiện nhiệt độ, độ mặn cao và kéo dài.
Đồng thời cần kết hợp với sản phẩm hổ trợ điều trị bệnh gan trên tôm:CEFOTAXIME bổ sung 5-10gr/kg thức ăn để phòng bệnh và 15 – 20gr/kg thức ăn để hổ trợ điều trị bệnh.
Phạm Văn Tình: Phòng Kinh Doanh

Những khoáng chất nào cần cho tôm

Khoáng có vai trò hết sức quan trọng đối với động vật thủy sản, vì nó tham gia trực tiếp vào các quá trình sinh tổng hợp diễn ra bên trong cơ thể vật nuôi.

Do đó, làm thế nào để giúp động vật thủy sản hấp thu đủ lượng khoáng, luôn là vấn đề quan tâm của người nuôi. Khoáng là một nhóm các chất cần thiết và vật nuôi chỉ cần một lượng nhỏ, nhưng nếu thiếu chúng sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của vật nuôi. Hiện nay, người ta đã xác định được 16 nguyên tố khoáng đa lượng (Cu, Fe, Mn, Zn, Sn…) và 6 nguyên tố khoáng vi lượng (Ca, Mg, P, Na, K, Cl). Do động vật thủy sản sống trong môi trường nước, có thể hấp thu khoáng qua mang hoặc da, nên rất khó xác định chính xác nhu cầu khoáng. Tuy nhiên, nhu cầu khoáng của động vật thủy sản phụ thuộc vào 3 yếu tố:

• Tình trạng dinh dưỡng của vật nuôi

• Thành phần và hàm lượng khoáng trong thức ăn

• Nồng độ khoáng trong môi trường nước.

Vai trò một số nguyên tố Khoáng đối với động vật thủy sản

Trong nuôi trồng thủy sản, nhu cầu về các nguyên tố khoáng Sắt (Fe), Đồng (Cu), Kẽm (Zn), Canxin (Ca), Magie (Mg), Phosphorus (P) được quan tâm nhiều hơn.

Fe

Là thành phần cấu tạo nên Hemoglobin, đóng vai trò vận chuyển máu và hô hấp trên cá. Cá có thể hấp thu Fe qua môi trường, còn nếu bổ sung nên chọn muối có chứa ion Fe 2+ vì sẽ giúp cá dễ hấp thu hơn. Thiếu sắt sẽ làm số lượng tế bào hồng cầu giảm, gan cá bị vàng. Các loại muối Fe được dùng phổ biến là Sắt (II) choloride (FeCl2), Sắt (II) Sulfat (FeSO4).

Cu

Là thành phần cấu tạo nên Hemocyanin, đóng vai trò vận chuyển máu và hô hấp trên Tôm, góp phần hình thành nên sắc tố melanin.Thiếu Cu tôm sẽ giảm sinh trưởng, giảm lượng Cu trong máu và gan tụy. Tôm có thể hấp thu Cu qua môi trường nước và trong bột cá. Loại muối bổ sung Cu được dùng phổ biến là CuSO4.

Zn

Kẽm giúp tăng khả năng vận chuyển CO2 trên động vật thủy sản, kích thích tiết acid chlohyride (HCl). Thiếu kẽm vật nuôi sẽ giảm sinh trưởng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Loại muối thường dùng để bổ sung Zn là ZnSO4.

Ca

Là thành phần chủ yếu hình thành nên khung xương cá , duy trì áp suất thẩm thấu, tham gia cấu tạo vào chất dẫn truyền thần kinh. Cá có thể hấp thu Ca từ nước qua mang da, thiếu Ca sẽ làm giảm chức năng sinh sản trên cá. Cùng với Mg, Ca tham gia vào quá trình lột xác của tôm, nếu thiếu thì sẽ dẫn đến tôm không lột xác được, chậm lớn. Các muối thường dùng để bổ sung Ca là Calcium lactate (C6H10O6), Tri basic Calcium phosphate (Ca3(PO4)2), Calcium Cacbonate (CaCO3)…

Mg

Là chất xúc tác trong một số phản ứng quan trọng trong hệ thống enzyme. Tôm cá biển dễ hấp Mg từ môi trường nước. Thiếu Mg vật nuôi sẽ giảm ăn, tỉ lệ chết cao. Người ta sử dụng các muối MgSO4.7H2O, K2SO4.2MgSO4 để bổ sung khoáng cho vật nuôi.

P

Tham gia vào quá trình trao đổi năng lượng, sinh trưởng, sinh sản và duy trì sự ổn định của pH trong ao nuôi. Cá tôm không thể hấp thu P qua môi trường nước mà hấp thu trực tiếp từ thức ăn. Khi thiếu P, vật nuôi sẽ giảm sinh trưởng, giảm hiệu quả sử dụng thức ăn, và làm tôm bị mềm vỏ. Do đó người nuôi hết sức lưu ý để bổ sung đủ lượng P cho tôm, cá. Các muối thường dùng để bổ sung P là: KH2PO4, NaH2PO4.

Kết luận

Tùy vào từng giai đoạn phát triển của vật nuôi mà nhu cầu khoáng cho từng giai đoạn sẽ khác nhau. Người nuôi cần chú ý sử dụng các muối có chứa các nguyên tố khoáng ở dạng dễ tan, để giúp vật nuôi hấp thu tốt hơn.

Cẩn trọng với đe dọa an ninh sinh học trong nuôi tôm

image

Hiểu rõ tầm quan trọng của An ninh sinh học với ngành nuôi trồng thủy sản và những rủi ro mà ngành thủy sản đối mặt khi phát triển theo hướng thâm canh.

Tại sao vấn đề an ninh sinh học lại quan trọng?

Nuôi trồng thủy sản đang phát triển với tốc độ nhanh do các chiến lược nuôi trồng thâm canh và nghiên cứu những cải tiến trong các lĩnh vực di truyền, dinh dưỡng, công nghệ sinh học và quản lý dịch bệnh. Đi cùng với đó là những thách thức: Các bệnh truyền nhiễm gây ra một mối đe dọa lớn đối với nuôi trồng thủy sản thâm canh và có khả năng gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cũng như hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp này. Trong thực tiễn nuôi trồng thâm canh ngày nay, sẽ là rất nguy hiểm khi không thừa nhận những lợi ích của an ninh sinh học.

An ninh sinh học là một tập hợp các thực hành để giảm thiểu việc xâm nhập, gây bệnh và lây lan các mầm bệnh. Do các hoạt động nuôi trồng thủy sản sẽ luôn phải đối phó với các tác nhân gây bệnh, nên áp dụng các thực hành an ninh sinh học là cách tiếp cận hợp lý, vì phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh. Những thực hành này khác nhau theo các bên liên quan. Trong khi các nhà máy chế biến tuân thủ các hướng dẫn HACCP (hệ thống kiểm soát các mối nguy hiểm và rủi ro cho an toàn thực phẩm trong suốt quá trình chế biến – ND) để đảm bảo sản phẩm của họ an toàn cho người tiêu dùng, thì các nhà nuôi trồng nên quan tâm, xem xét thực hiện các biện pháp nhằm làm giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Rủi ro an ninh sinh học lớn hơn khi sản xuất thâm canh

Các hoạt động nuôi thâm canh tạo ra những rủi ro lớn hơn cho người sản xuất. Trong nhiều thách thức, dịch bệnh chắc chắn là tốn kém nhất. Một ổ dịch đơn có thể làm người nuôi ngừng các hoạt động nuôi trồng và lâm vào nợ nần. Tương tự, sự xuất hiện của một bệnh được báo cáo có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng đến trang trại và cho toàn ngành. Với bản chất thương mại quốc tế, chúng ta phải nghi ngờ rằng mỗi lô hàng thủy sản cũng có thể là một lô hàng tiềm năng của các mầm bệnh.

Các vấn đề về an ninh sinh học giúp bảo vệ khỏi sự tiếp xúc với dịch bệnh, là cách có hiệu quả và kinh tế nhất để kiểm soát dịch bệnh. Thiếu một kế hoạch an ninh sinh học khi có dịch bệnh bùng phát có thể dẫn đến vật nuôi bị bệnh hoặc chết, tốn chi phí chẩn đoán, sử dụng không hết công suất của trang trại, giảm chất lượng và giá trị sản phẩm, không có khả năng tiếp tục nuôi, làm tổn hại danh tiếng thị trường và đóng cửa trang trại.

Hậu quả của sự bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm có thể là thảm khốc, đặc biệt là trong các hệ thống tuần hoàn và các trại sản xuất giống, do bản chất tốn kém vốn có và cường độ hoạt động. Tầm quan trọng của an ninh sinh học trong nuôi trồng thủy sản đã được nhận ra với những sự cố không may như bệnh xuất huyết mùa xuân trên cá chép ở Bắc Carolina, làm chết khoảng 250 ao cá, dẫn đến tổn thất kinh tế to lớn. Xảy ra điều nay là do không có an ninh sinh học tại các trang trại ở hai bang khác nhau (Bắc Carolina và Virginia), và virus có thể lây lan từ nơi này đến nơi khác. Hậu quả này có thể đã được ngăn ngừa nếu các thủ tục an ninh sinh học được áp dụng, điều này đòi hỏi phải loại trừ triệt để cá khỏi ao/các ao đã bị nhiễm bệnh.

Tương tự, các biện pháp an ninh sinh học có thể đã ngăn chặn được sự lây lan của virus gây hội chứng đốm trắng (White Spot Syndrome Virus), điều này gần như đã làm suy sụp ngành công nghiệp tôm toàn cầu.

Học hỏi từ các ngành chăn nuôi khác

Vì an ninh sinh học là một khái niệm tương đối mới trong nuôi trồng thủy sản, nên sẽ có ích nếu áp dụng các thực hành từ các ngành nuôi động vật thành công khác. Ví dụ, trong ngành chăn nuôi gia cầm, những thực hành cần thiết là cách ly, kiểm soát buôn bán, vệ sinh, nội quy vào cổng, các trạm mồi để kiểm soát động vật gặm nhấm và côn trùng, làm hàng rào cao.

Ngành chăn nuôi gia súc đảm bảo kiểm tra và kiểm dịch những động vật mới, thiết bị và phương tiện sạch sẽ, kiểm soát buôn bán và các quy trình khử trùng. Những hoạt động này làm giảm sự xâm nhập bệnh, giảm thiểu sự lây lan tại trang trại và bảo vệ sự đầu tư.

Trong ngành công nghiệp nuôi tôm, các biện pháp an ninh sinh học bao gồm:

– Vật nuôi được kiểm nghiệm, kiểm dịch

– Các rào cản vật lý: có hàng rào bao quanh hạn chế cua còng vào ao, có lưới phủ trên bề mặt ao để hạn chế chim vào ao.

– Xử lý nước: xử lý nước bằng Chlorine để diệt khuẩn cho nước trước khi thả nuôi, có diệt khuẩn định kỳ

– Sử dụng tôm sạch bệnh (Specific pathogen-free – SPF) và tôm kháng bệnh (Specific athogen-resistant – SPR)

Một số chiến lược an ninh sinh học trong nuôi cá hồi và cá bơn ở Nhật Bản bao gồm: sử dụng cá bố mẹ không mang mầm bệnh, giám sát sức khỏe cá, tiêm vắc-xin, khử trùng cơ sở sản xuất giống và các thiết bị dùng trong sản xuất. Cách tiếp cận an ninh sinh học trong nuôi nhuyễn thể ở Mỹ bao gồm: sử dụng bố mẹ không mang bệnh, đánh giá sức khỏe vật nuôi, chẩn đoán và điều trị sớm, và các thủ tục vệ sinh để giảm ô nhiễm.

Xét đến khả năng tàn phá của các mầm bệnh, đặc biệt các mầm bệnh có nguồn gốc ngoại lai, cần thận trọng khi áp dụng các biện pháp an ninh sinh học trong các hoạt động hàng ngày ở trang trại. Mặc dù có thể không thực tế để thực hiện tất cả các bước của một kế hoạch an ninh sinh học chuẩn, nhưng một lựa chọn hợp lý các chiến lược thích hợp cho một trang trại sẽ rất đáng giá. Một kế hoạch an ninh sinh học cụ thể cho từng trang trại là xác định mối quan tâm về bệnh và các khu vực có nguy cơ cao và thực hiện các thực hành tốt nhất là chìa khóa cho một hoạt động thành công. Nhận thức của nhân viên về kế hoạch (an ninh sinh học) là rất quan trọng để đảm bảo thực hiện. An ninh sinh học có thể áp dụng cho các ao riêng lẻ, cho các trang trại hoặc cho toàn ngành.

Thực hành an ninh sinh học trong các hệ thống sản xuất nhỏ thì dễ dàng hơn và hiệu quả hơn so với các hoạt động ngoài trời và có quy mô lớn. Bác sỹ thú y và các chuyên gia khác có thể giúp các nhà sản xuất thủy sản xác định được các khu vực và các hoạt động chính để đưa ra một kế hoạch hiệu quả. Một kế hoạch an ninh sinh học có hiệu quả bao gồm các tác nhân gây bệnh cụ thể có liên quan đến trang trại, tính phổ biến của dịch bệnh tại vùng, giám sát dịch bệnh, nhận thức về an ninh sinh học, kiểm dịch thủy sản đầu vào, thực hành nuôi phù hợp, dinh dưỡng tối ưu, tiêm vắc-xin, kiểm soát buôn bán, kiểm soát vector (vật) truyền bệnh và các phương pháp khử trùng.

Việc đem cá (nói chung cho các loài thủy sản) mới từ các nguồn bên ngoài là yếu tố rủi ro an ninh sinh học lớn nhất. Bổ sung cá mới cho trang trại nên được kiểm tra và kiểm dịch các mầm bệnh tiềm ẩn. Nếu có thể thì sử dụng dịch vụ của cơ quan kiểm tra thủy sản. Bỏ qua bước quan trọng và tương đối ít tốn kém này là quá nguy hiểm, và có thể dẫn đến các tình huống bùng phát dịch bệnh không đáng có. Nhìn bề ngoài trong khỏe mạnh nhưng chúng vẫn có thể là những vật mang mầm bệnh, có thể lây lan sang các con cá khác khi bị stress.

Nguyên tắc chung về an ninh sinh học

Một số thành phần chung của an ninh sinh học có thể được theo dõi trong các đơn vị sản xuất bao gồm: kiểm tra sức khỏe cá định kỳ, kiểm dịch các lô mới, giám sát dịch bệnh, hạn chế khách tham quan, tiêm vắc-xin cho cá, khử trùng, thiết lập các khu làm việc an ninh sinh học, nhận thức về an ninh sinh học của nhân viên, hạn chế các loài động vật và chim hoang dã, giám sát chất lượng nước, sử dụng các dụng cụ bảo hộ (giày ống, ủng lội nước, …), thức ăn có chất lượng tốt, bảo quản thức ăn phù hợp, ngâm/tắm chân và rửa sạch xe giữa các chuyến viếng thăm các cơ sở sản xuất.

Trong các hệ thống sản xuất giống và các hệ thống tuần hoàn, các khía cạnh cần xem xét là: nguồn cung cấp nước ngầm sạch bệnh, trứng cá hoặc cá SPF, thức ăn SPF, chế độ dinh dưỡng tối ưu, giám sát sức khỏe cá, các đơn vị sản xuất dễ vệ sinh, các tính năng để loại bỏ cá chết, quy trình khử trùng và duy trì ghi chép trong quá trình sản xuất. Các chiến lược tiêm chủng cụ thể và chi phí hiệu quả sẽ giúp đề kháng với một số mầm bệnh, đem lại sức khỏe tốt và cải thiện năng suất.

Phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn ngừa một căn bệnh lây lan khắp trang trại. Hiểu được sự truyền bệnh và vòng đời của mầm bệnh giúp thực hiện các biện pháp an ninh sinh học cần thiết. Các chuyên gia khuyến nông, bác sỹ thú y, các nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý có thể cung cấp thông tin này.

An ninh sinh học cung cấp một khuôn khổ thích hợp để quản lý các rủi ro do các nguy cơ sinh học gây ra (Hội đồng An ninh sinh học, 2003). Một bệnh cụ thể có thể gây ra những tác động bất lợi bằng nhiều cách và trong nhiều lĩnh vực. Hiện đang thiếu các nghiên cứu về bệnh thủy sản và những tác động kinh tế của chúng, hiệu quả của các chiến lược quản lý hợp lý và so sánh giữa chúng (phòng ngừa, loại trừ và kiểm soát).

Phân tích kinh tế và xây dựng các kịch bản về lợi ích của chi phí bỏ ra là cần thiết cho việc áp dụng an ninh sinh học trong nuôi trồng thủy sản. Chi phí cần được tính trong đánh giá kinh tế về các chiến lược quản lý an ninh sinh học, bao gồm: cơ sở hạ tầng và chi phí quản lý, chi phí phòng ngừa bệnh, chi phí điều trị và thiệt hại năng lực sản xuất (cá, đơn vị sản xuất).

Một số chương trình an ninh sinh học hiện có

Một số chương trình an ninh sinh học hiện có nhằm bảo vệ thương mại toàn cầu là:

– Hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới về việc áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật;

– Tiêu chuẩn thực phẩm Codex quốc tế của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc và Bộ quy tắc ứng xử;

– Quy tắc thực hành về giới thiệu và chuyển giao sinh vật biển của Hội đồng thám hiểm biển quốc tế (ICES);

– Phần Vệ sinh và Kiểm soát sức khỏe (Bộ Quy tắc về an ninh sinh học động vật thủy sản, OIE) bao gồm các quy trình khử trùng các trang trại nuôi cá, động vật thân mềm và giáp xác (Scarfe 2003);

Ngoài ra còn có: Chương trình an ninh sinh học của Úc (AQUAPLAN); Chương trình chứng nhận cá mồi và cá cảnh ở Arkansas. Các chương trình này là những ví dụ về các tiếp cận an ninh sinh học thực tiễn được áp dụng cho các trang trại thủy sản. An ninh sinh học có thể được thực hiện ở hầu hết các trang trại bằng cách sử dụng các giao thức đơn giản, có khả năng tiết kiệm cho một nhà sản xuất khỏi tổn thất kinh tế đáng kể.

Triển vọng

Các biện pháp an ninh sinh học là cần thiết trong bất kỳ chuỗi sản xuất sinh học nào, đơn giản vì chúng ta không thể bỏ qua các lợi ích của các chiến lược phòng ngừa này. Trong nuôi trồng thủy sản thâm canh, mật độ thả nuôi cao, sản xuất liên tục và kéo dài việc giữ lại nước đã tạo ra môi trường có lợi cho các mầm bệnh độc hại. Trong các hệ thống này, các biện pháp an ninh sinh học là cần thiết để kiểm soát và ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm và những tổn thất kinh tế.

An ninh sinh học có thể được áp dụng cho các hệ thống sản xuất nuôi trồng thủy sản thông qua nhiều chiến lược quản lý khác nhau. Các chương trình an toàn sinh học được xây dựng tốt sẽ nâng cao sức khỏe động vật, sản xuất, nền kinh tế của khu vực và quốc gia. Các yếu tố chính của an ninh sinh học là: nguồn gốc đáng tin cậy của vật nuôi, chẩn đoán bệnh sớm, ngăn ngừa mầm bệnh và các thực hành quản lý tốt nhất.

An ninh sinh học là nỗ lực của nhóm, trách nhiệm qua lại lẫn nhau và là một quá trình động phải được đánh giá lại và tuân thủ một cách nhất quán. Thực hiện các thực hành an ninh sinh học đòi hỏi sự ra quyết định dựa trên khoa học, các phương pháp chuẩn, dễ dàng áp dụng và tập trung vào phòng ngừa là chính.

Tăng cường hệ miễn dịch cho tôm thẻ chân trắng bằng lòng đỏ trứng

image

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã chứng minh lòng đỏ trứng có các dụng kháng Vibrio harveyi và Vibrio parahaemolyticus trên tôm thẻ chân trắng, mở ra một tiềm năng to lớn trong biện pháp sử dụng tác nhân sinh học hạn chế khả năng gây hại của hai loài vi khuẩn nguy hiểm này.

Tôm là loài thủy sản thương mại quan trọng trên thế giới, nhưng ngành nuôi tôm đã bị đe doạ bởi sự nhiễm V. harveyivà V. parahaemolyticus.

V. harveyi có thể xâm nhập vào tôm thông qua đường miệng, dẫn đến tỉ lệ chết cao. Soto-Rodriguez và cộng sự có báo cáo rằng V. harveyi là nguyên nhân gây hội chứng “phát sáng” trong tôm thẻ chân trắng.

V. parahaemolyticus là một mầm bệnh quan trọng khác của tôm thẻ chân trắng, có thể gây ra bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Ngoài ra, V. parahaemolyticus cũng là một mối nguy hiểm đối với sức khoẻ con người, đây là nguyên nhân hàng đầu gây viêm dạ dày ruột ở người.

image

Miễn dịch thụ động của tôm chân trắng Litopenaeus chống lại Vibrio harveyi và Vibrio parahaemolyticus bằng lòng đỏ trứng (IgY) 

Người ta tin rằng không có miễn dịch thích ứng ở động vật không xương sống. Do đó, miễn dịch thụ động là một cách đầy hứa hẹn bảo vệ động vật không xương sống khỏi bị nhiễm trùng.

Trong những năm gần đây, kháng thể lòng đỏ trứng (IgY) đã thu hút sự chú ý đáng kể bởi vì nó có nhiều ưu điểm: ổn định, an toàn, tiết kiệm và chứa nồng độ cao. IgY được sử dụng thành công trong miễn dịch y học và áp dụng cho việc chủng ngừa thụ động ở cả động vật và người. Ở động vật thủy sản, người ta đã chứng minh rằng IgY có hiệu quả trong việc bảo vệ các loài thủy sinh khỏi nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Edwardsiella tarda, Yersinia ruckeri, Aeromonas hydrophila, và V. alginolyticus. Tuy nhiên, chưa có báo cáo nào về ảnh hưởng của IgY đối với việc bảo vệ tôm chân trắng chống lại V. harveyi  V. parahaemolyticus.

Trong báo cáo này, nhóm nghiên cứu đánh giá việc bảo vệ tôm chân trắng chống lại V. harveyi và nhiễm V. parahaemolyticus sử dụng bột lòng đỏ trứng (IgY).

Kết quả nghiên cứu

Tính kháng Vibrio trong lòng đỏ trứng (lgY)

Đo độ kháng thể của IgY được xác định bằng một bài kiểm tra kết tụ ruột và một xét nghiệm miễn dịch đặc hiệu liên kết enzyme (ELISA). Kết quả cho thấy tiêm V. harveyi và V. parahaemolyticus có thể gây ra sự tích tụ IgY ở gà đẻ trứng. IgY trong máu cho thấy sự gia tăng mạnh vào cuối tuần thứ 3 sau lần tiêm chủng đầu tiên. Sáu tuần sau khi chủng đầu tiên, mức độ IgY kháng V. harveyi và V. parahaemolyticus tăng lần lượt là 8192 và 4096.

image

Mức độ chống V. harveyi và V. parahaemolyticus IgY trong lòng đỏ trứng được phát hiện bằng phương pháp kết hợp kháng khuẩn

image

Mức độ chống V. harveyi và V. parahaemolyticus IgY trong lòng đỏ trứng được phát hiện bằng ELISA

Tác dụng ức chế của Vibrio IgY

Hoạt tính ức chế vi khuẩn của bột lòng đỏ trứng đã được chứng minh như mô tả dưới đây. Như thể hiện trong Bảng, độ pha loãng tối đa của của IgY đối với V. harveyivà V. parahaemolyticus lần lượt là 1:16 và 1: 8.

image

Hấp thu và chuyển hóa IgY trong tôm thẻ chân trắng

Kháng thể IgY xuất hiện trong đường ruột; sau đó được phát hiện ở hemolympho. Ngoài ra, IgY có thể kéo dài hơn 12 giờ với hoạt động trong đường ruột của tôm.

image

Các mức kháng thể khác nhau trong máu và đường ruột của tôm chân trắng Litopenaeus sau khi sử dụng bột lòng đỏ trứng bằng phương pháp ELISA gián tiếp

Ảnh hưởng của bột lòng đỏ trứng chống Vibrio trên tôm được nuôi trong ao

Tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng, mysis, và Postlarva tăng từ 26%, 25,3%, 22% đến 62,7%, 60,7% và 62%, sau khi bị thách thức với V. harveyi. Trong khi đó, tỷ lệ sống của tôm chân trắng, mysis và postlarva tăng từ 23,3%, 26%, 22% đến 60%, 58,6%, và 56,7% tương ứng sau khi bị gây nhiễm với V. parahaemolyticus.

Mật độ Vi khuẩn trong tôm giống từ các trại sản xuất tôm được cho ăn với bột lòng đỏ trứng là 9 x 103, 6,4 x 103 và 8 x 103 CFU/g tương ứng, mật độ của vi khuẩn ở tôm ăn với bột trứng trứng bình thường lần lượt là 1,8 x 104, 3,6 x 104và 2,4 x 10CFU/g.

Cơ chế kháng khuẩn của IgY thường được coi là sự ức chế sự kết dính của vi khuẩn với tế bào chủ. IgY cụ thể có thể nhận ra và gắn kết các thành phần đặc biệt biểu hiện trên bề mặt vi khuẩn, đây là những nhân tố quyết định cho sự phát triển của vi khuẩn.

Kết luận

Những kết quả này chỉ ra lòng đỏ trứng kháng Vibrio có thể là một tác nhân sinh học tiềm năng trong nuôi trồng thủy sản để ngăn ngừa vibrio từ việc sử dụng bột trứng có chứa IgY chống lại V. harveyi và V. parahaemolyticus trong tôm thẻ chân trắng. Mặt khác việc sử dụng bột lòng đỏ trứng chống Vibrio còn có thể làm tăng dinh dưỡng cho tôm thẻ chân trắng.

Một dòng Vibrio campbellii mới mang gen pirVP gây hoại tử gan tụy cấp tính

image

Mới đây một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã pháp hiện một dòng vi khuẩn Vibrio campbellii mới mang gen pirVP được chứng minh là tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính ngoài các chủng từ loài V. paraheamolyticus đã biết.

Cơ chế gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND)

Trong những năm gần đây, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) đã lan rộng nhanh chóng ở các nước châu Á và Mexico, gây ra tử vong trầm trọng (lên đến 100%) và làm suy giảm sản lượng tôm.

AHPND ban đầu được cho là do chủng Vibrio parahaemolyticus đặc hiệu, cụ thể là V. parahaemolyticus gây ra AHPND. V. parahaemolyticus trở thành VPAHPND độc hại sau khi có một plasmid (pVA1)  bao gồm hai tiểu đơn vị, PirA và PirB, đồng nhất với độc tố nhị phân Pir gắn vào. Plasmid pVA1 cũng mang một nhóm các gen liên quan đến chuyển đổi liên hợp; Do đó, plasmid này có thể có khả năng chuyển giao không chỉ giữa các chủng V. parahaemolyticus với nhau mà còn đối với các chủng vi khuẩn khác.

Cho đến nay, không có báo cáo nào được công bố trực tiếp chứng minh rằng Vibrio campbellii có thể chứa pirVP và gây AHPND trong tôm. Trong bài báo này, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trên tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei với một dòng V. campbellii mới (20130629003S01) mang pirVP phân lập từ một trang trại tôm và chứng minh rằng dòng V. campbellii mới này là một tác nhân gây bệnh của AHPND.

image

Chú thích hình: Phân lập thử nghiệm Vibrio campbellii mang gen pirVP liên quan đến bệnh AHPND ở tôm thẻ chân trắng. (A) Phát hiện gen pirA và pirB. Vạch 1 và 5: Kết quả PCR từ tổng DNA của dòng 20130629003S01; Vạch 2 và 6: Các kết quả RT-PCR từ RNA dòng 20130629003S01; Vạch 3 và 7: Kết quả PCR từ DNA Plasmid tinh khiết của dòng 20130629003S01; Vạch 4 và 8: Đối chứng âm; (B) tái tạo cấu trúc dựa trên ranh giới 16S rRNA, rpoD, rctB và toxR. © phân tích điện cực gel SDS-polyacrylamide của PirA và PirB của dòng 20130629003S01; (D) Dấu hiệu chung tôm nhiễm AHPND (trái): gan tụy nhợt nhạt, đường tiêu hóa rỗng. Tôm bình thường (phải): kích thước bình thường gan tụy có màu nâu và đường tiêu hóa đầy đặn; (E) Gan tụy của tôm chân trắng Litopenaeus nhuộm với Hematoxylin và Eosin

Dòng Vibrio campbellii mới mang gen pirVP gây hoại tử gan tụy cấp tính

Một chủng loại mới với mã 20130629003S01 đã được phân lập từ tôm thẻ chân trắng ở Quảng Tây, Trung Quốc. Sự khuếch đại PCR và RT-PCR được thực hiện bằng các primer VpPirA và VpPirB đặc trưng cho gien pirVP (pirA và pirB). Kỹ thuật điện di các sản phẩm PCR cho thấy cả pirA (284 bp) và pirB (392 bp) đều được phát hiện trong máu tôm. Một chuỗi các phần của 16S rRNA thu được bằng cách sắp xếp các sản phẩm PCR thu được với primer 27F (5’-AGA GTT TGA TCC TGG CTC AG-3 ’) và 1492R (5’-TAC GGC TAC CTT GTT ACG ACT T-3’). Cho thấy rằng chủng 20130629003S01 thuộc nhóm Vibrio và có họ hàng gần nhất với V. campbellii (99.72%) và V. rotiferianus (99.66%).

Đáng chú ý, gen pirVP được khuếch đại thành công bằng cách sử dụng DNA plasmid chiết xuất từ V. campbellii (20130629003S01). Ngoài ra, trình tự thế hệ tiếp theo của dòng 20130629003S01 đã chứng minh rằng có một plasmid chứa pVA1 và pirVP.

Mức độ gây bệnh của giống 20130629003S01 được kiểm tra ở tôm chân trắng khỏe mạnh có trọng lượng khoảng 1 g, được nuôi trong nước biển nhân tạo ở độ mặn 30o/oo trong bể composite (mật độ 15 con/bể) ở 27 ± 2°C. Một thử nghiệm ngâm nhằm mục đích lây nhiễm dòng V. campbellii (20130629003S01) được sử dụng, tất cả các nhóm thí nghiệm được khảo sát trong ba lần. Tôm được gây nhiễm dòng 20130629003S01 bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu tổng thể của AHPND trong vòng 12 giờ, tỷ lệ tử vong lớn xảy ra sau 12 giờ tiếp sau đó, đạt 100% trong vòng 36 giờ. Các dấu hiệu của tôm chân trắng bị nhiễm dòng 20130629003S01 bao gồm dạ dày và đường tiêu hóa rỗng cũng như gan tụy nhợt nhạt và teo nhỏ.

Nghiên cứu này là lần đầu tiên chứng minh rằng một dòng V. campbellii mang pirVP gây ra AHPND. Vì vậy, bệnh hoại tử gan tụy cấp AHPND không phải chỉ do V. parahaemolyticus cần được nghiên cứu thêm.

Các kết quả này có thể cung cấp bằng chứng cho thấy sự truyền ngang của gen pirVP hoặc plamid pVA1 giữa các loài vi khuẩn khác nhau, do đó có khả năng làm tăng sự phức tạp của các tác nhân gây bệnh AHPND và làm gia tăng mối đe dọa đối với ngành tôm. Trên cơ sở đó, các biện pháp an toàn sinh học có hiệu quả cần được xem xét để ngăn chặn sự lây lan của AHPND trong tương lai.

Source: Trị Thủy, TepBac. Theo Xuan, Hailiang, Guosi, Peizhuo, Chengcheng, Yan Xuan Dong, Hailiang Wang, Guosi Xie, Peizhuo Zou, Chengcheng Guo, Yan Liang và Jie HuangJie Huang

Tôm phát triển mạnh hơn nhờ thay thế bột cá

Tôm phát triển mạnh hơn nhờ thay thế bột cá

Một thí nghiệm mới của Calysta cho thấy sản phẩm FeedKind có khả năng giúp tôm sóng sót và tăng trưởng tương đương hoặc cao hơn bột cá.

Tôm chân trắng ăn một chế độ ăn mới bao gồm protein từ vi sinh đã được chứng minh là tốt hơn những thức ăn có nguồn gốc từ bột cá.

Tuyên bố của Calysta, Inc, hôm 15/8 công bố rằng tôm nuôi một chế độ ăn bao gồm protein FeedKind có tỷ lệ sống sót và tăng trưởng tương đương hoặc cao hơn. Protein này là một thành phần dinh dưỡng tự nhiên, bền vững và khả thi cho gia súc, cá và vật nuôi khác.

Protein FeedKind là một thành phần thức ăn cá thế hệ mới được sản xuất từ các vi sinh vật tự nhiên được tìm thấy trong các loại đất trên toàn thế giới. Sử dụng quy trình lên men tự nhiên tương tự như sản xuất men, những vi khuẩn này tạo ra thức ăn giàu chất đạm và là chất thay thế bền vững cho các thành phần thức ăn giàu protein như bột cá. Protein FeedKind là nguồn protein tự nhiên, có nguồn gốc tự nhiên và có nguồn gốc động vật không phải động vật được sản xuất bằng cách sử dụng quy trình lên men khí hóa duy nhất trên thế giới.

Protein FeedKind không phải là GMO và được chấp thuận để bán và sử dụng trong thức ăn cho cá và thức ăn chăn nuôi cũng như thức ăn cho vật nuôi ở EU. Nó đã được thử nghiệm rộng rãi trên nhiều loài cá, bao gồm cá hồi Đại Tây Dương và cá hồi vân, cũng như ở lợn và gia cầm. Sản phẩm này có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, rất ổn định với hàm lượng chất xơ rất ít, không chứa thủy ngân và hàm lượng chất béo cao có thể làm giảm nhu cầu bổ sung chất béo. Nó sẽ được vận chuyển và cung cấp khô như bột hoặc viên.

Thành phần dinh dưỡng của FeedKind và Bột cá (Nguồn: http://calysta.com/)

Cuộc thử nghiệm này là nghiên cứu đầu tiên của Calysta về nuôi trồng thủy sản nước ấm, và là một bước đi vào thị trường thức ăn tôm toàn cầu với lượng 6 triệu tấn. Cuộc thử nghiệm được thực hiện tại Đại học Auburn, kết hợp với Đại học Texas A & M.

Trong thử nghiệm, tôm thẻ chân trắng Thái Lan (Litopenaeus vannamei) được cho ăn chế độ ăn kiểm soát có chứa bột cá như là một nguồn protein chính. So sánh với chế độ ăn đã được chuẩn bị FeedKind protein thay thế lên đến 100% bột cá. Các động vật đã được cho ăn hoặc kiểm soát hoặc một chế độ ăn thử nghiệm trong tám tuần với một môi trường có kiểm soát. Kết thúc nghiên cứu, tỷ lệ sống sót của tôm cải thiện đáng kể trong khẩu phần ăn của FeedKind (93-97%) so với chế độ ăn bột cá (84%). Ngoài ra, tổng trọng lượng tôm trong tất cả các nhóm ăn kiêng FeedKind đã được hiển thị là tương đương hoặc cải thiện so với chế độ ăn bột cá kiểm soát.

Tiến sĩ Josh Silverman, Giám đốc Calysta và Giám đốc Sáng tạo và Sản phẩm, nói: “Đây là một sự mở rộng đáng kể cơ hội thị trường toàn cầu cho FeedKind. “FeedKind đang được phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, và cuộc thử nghiệm này cho thấy tiềm năng của FeedKind trong việc cải thiện chế độ ăn trong một số loài thủy sản có giá trị kinh tế nhất trên thế giới. Các kết quả này cho thấy protein FeedKind có thể cải thiện đáng kể thức ăn nuôi trồng thủy sản hiện tại, tạo ra những kết quả có thể so sánh hoặc tốt hơn đồng thời giảm ô nhiễm môi trường và nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng trong chuỗi cung ứng.

“Tôm vẫn là một trong những mặt hàng thủy sản có giá trị nhất trong nuôi trồng thủy sản, với thương mại toàn cầu đạt trên 20 tỷ USD mỗi năm”, Ronnie Tan, thành viên của Ban Cố vấn Calysta và Phó Chủ tịch Blue Archipelago, doanh nghiệp tôm lớn nhất Malaysia. “Các sản phẩm mới như FeedKind sẽ là những thị trường mới quan trọng khi nhu cầu tăng lên ở các nước đang phát triển để có nguồn protein mới.”

FeedKind là một nguồn protein bền vững, an toàn và phi động vật được phép bán ở nhiều quốc gia và cho thấy sử dụng nước ít hơn 77-98% và > 98% ít đất so với các thành phần khác như đậu nành hoặc lúa mì.

Kinh nghiệm nuôi tôm “khỏe” của Thái Lan

Hơn mười năm nay, Thái Lan luôn là nước xuất khẩu tôm nuôi lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, nghề nuôi tôm cũng thể hiện mặt trái của nó, đó là gây ô nhiễm nguồn nước, phá hủy rừng ngập mặn và hệ sinh thái ven biển… Thái Lan làm gì để khắc phục tình trạng này?

Trang trại nuôi tôm ở miền Nam Thái LanTrang trại nuôi tôm ở miền Nam Thái Lan

Áp dụng nuôi có trách nhiệm

Nhằm giảm tác động tiêu cực tới môi trường, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về vệ sinh, an toàn thực phẩm của tiêu dùng thế giới, Cục Nghề cá Thái Lan (DOF) đã áp dụng hai hệ thống kiểm tra chất lượng đối với nghề nuôi tôm xuất khẩu. Ðó là Hệ thống Chất lượng GAP (Thực tiễn nuôi tốt) và Quy tắc Nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm (CoC) của FAO. GAP là tiêu chuẩn chất lượng cho các trại sản xuất giống và các trại nuôi thủy sản; CoC là tiêu chuẩn chất lượng dùng cho toàn bộ hệ thống sản xuất, từ nuôi đến chế biến.

Ðể áp dụng theo GAP, các trại nuôi cần bắt đầu từ việc quản lý bên trong trại, như: chọn địa điểm, xây dựng cơ sở hạ tầng, chất lượng nước nuôi và nước sinh hoạt; ngoài ra phải có kế hoạch nuôi, nuôi đúng kỹ thuật, đúng thời vụ, dùng thức ăn có chất lượng, nguồn nước đảm bảo, có kế hoạch thu hoạch và vốn đầu tư.

Cơ sở hạ tầng (nhà xưởng, máy móc thiết bị…) phải sạch sẽ, vệ sinh thường xuyên, phù hợp tiêu chuẩn và được sử dụng đúng cách.
Các nguồn nước nuôi tôm không bị ô nhiễm và được xử lý trước khi nuôi. Chất lượng nước theo đúng tiêu chuẩn và không bị nhiễm khuẩn. Ðường nước thải phải riêng biệt, nước thải được xử lý để không làm ô nhiễm môi trường.

Khu vực xung quanh trại nuôi phải sạch sẽ, chất lắng đọng trong ao nuôi được vớt lên thường kỳ. Khi cải tạo ao, không được dùng các hóa chất bị cấm, thuốc trị bệnh cũng tuân theo quy định và chỉ được dùng trước khi thu hoạch ít nhất 21 ngày.

Việc thanh tra trại nuôi theo GAP được chia làm hai giai đoạn; thứ nhất là kiểm tra vệ sinh trại, thứ hai là kiểm tra dư lượng kháng sinh trong tôm nuôi (các loại Tetraxiclin, Oxi-Tetraxiclin, Axit Oxolinic, Sulphanilamin, Chloramphenicol, Nitrofuran, Fluoroquinolon và Norfloxaclin).

Ở Thái Lan, việc áp dụng chương trình CoC trong sản xuất giống cho kết quả khả quan vì giá tôm giống theo chương trình CoC tuy cao hơn so với tôm giống khác nhưng người dân được đảm bảo chất lượng.

GS. TS Jirasak Tantronggpiros (Đại học Chulalongkorn, Thái Lan) cho biết: “Tại Thái Lan, hầu hết người nuôi tôm đều sử dụng chung nguồn nước trong kênh mương. Khi dịch bệnh xảy ra, chủ ao nuôi cắt nguồn nước thải ra mương chung và báo ngay cho các chủ nuôi lân cận, nếu bệnh do virus thì tiêu hủy cả ao và sát trùng, nhằm tránh lây lan sang các ao nuôi kế cận. Theo đó, việc xây dựng ý thức cộng đồng, liên kết và hỗ trợ là rất quan trọng”.

Dự báo cho năm 2014

Theo Hiệp hội Tôm Thái Lan (TSA), năm 2013, Hội chứng tôm chết sớm (EMS) tấn công khiến ngành tôm Thái Lan thiệt hại tới 50 tỷ baht (tương đương 1,54 tỷ USD). Chủ tịch TSA, Somsak Paneetatyasai cho hay, sản lượng tôm Thái Lan năm 2013 chỉ đạt 250.000 – 300.000 tấn, giảm mạnh so 540.000 tấn năm 2012 và đỉnh điểm 640.000 tấn năm 2010. Tổng sản lượng tôm xuất khẩu năm 2013 của Thái Lan chỉ 200.000 tấn, trị giá 70 tỷ baht (2,15 tỷ USD). Xuất khẩu giảm mạnh đã khiến Thái Lan mất danh hiệu nhà xuất khẩu tôm số 1 tại thị trường Mỹ về tay Ấn Độ. Tuy nhiên, với nhiều biện pháp nghiêm ngặt nhằm khôi phục sản xuất, Thái Lan sẽ sớm trở lại vị trí dẫn đầu trong hai năm tới.

Nhiều chuyên gia nhận định, xuất khẩu tôm Thái Lan năm 2014 sẽ khá hơn năm 2013 do sản xuất tôm nước này đang dần phục hồi và nhiều thị trường tiêu thụ trọng điểm tình hình kinh tế sẽ tốt hơn.

TSA dự báo, sản lượng tôm Thái Lan năm 2014 sẽ tăng 20%, đạt 300.000 – 320.000 tấn, nhờ kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt và gia tăng sản xuất tôm giống. Theo đó, xuất khẩu tôm dự kiến sẽ tăng khoảng 20%, với khối lượng 240.000 tấn, trị giá 70 tỷ baht.

Những công nghệ nuôi tôm hiệu quả

Nuôi tôm theo công nghệ Biofloc

Hệ thống nuôi trồng thủy sản theo hướng Biofloc được phát triển trên nguyên lý duy trì tỷ lệ cacbon/nitơ hợp lý để vi sinh vật hữu ích phát triển; chúng thúc đẩy quá trình phân hủy dị dưỡng các hợp chất nitơ trong ao nên không cần thay nước trong suốt quá trình nuôi. Hệ thống nuôi trồng thủy sản theo công nghệ Biofloc có những ưu điểm vượt trội. Thứ nhất, Ammonia tự do trong nước được chuyển hóa thành protein trong sinh khối vi sinh vật dị dưỡng, tập hợp thành Biofloc lơ lửng trong nước. Thứ hai, động vật thủy sản nuôi sử dụng sinh khối Biofloc làm thức ăn, do vậy chuyển hóa protein trong thức ăn lên đến 45 – 50%. Thứ ba, nâng cao mức độ an toàn sinh học, giảm rủi ro lây nhiễm bệnh do không hoặc ít phải thay nước.

Trong nuôi TTCT có thể bị các tác động do các yếu tố tiêu cực như ô nhiễm môi trường, tảo bùng phát do chất thải giàu chất dinh dưỡng ni tơ và phốt pho từ thức ăn dư thừa, chất thải từ tôm vào môi trường ao nuôi. Công nghệ Biofloc tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn dị dưỡng sử dụng các chất thải này chuyển hóa thành sinh khối vi khuẩn (các hạt floc) và tôm có thể dùng làm thức ăn. Mục tiêu của công nghệ Biofloc nuôi thâm canh TTCT là giảm ô nhiễm môi trường và giảm hệ số chuyển hóa thức ăn, giảm rủi ro nhiễm bệnh, tăng năng suất nuôi. Tuy nhiên, quản lý hệ thống Biofloc trong nuôi tôm thâm canh đòi hỏi kỹ thuật khá phức tạp để đảm bảo cho hệ thống vận hành tốt, năng suất cao.

Năm 2014, nhiều công ty sản xuất giống và nuôi thương phẩm TTCT ở Ninh Thuận, Bình Thuận đã ứng dụng công nghệ này vào sản xuất giống và nuôi thương phẩm; điển hình có Công ty TNHH Thủy sản Hải Dương (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong) mỗi năm sản xuất, nuôi thương phẩm 3 – 4 vụ, năng suất 20 tấn/ha/vụ.

Nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính

Không ít vùng nuôi tôm bị thiệt hại nặng, do diện tích dịch bệnh trên tôm lây lan theo diện rộng. Nguyên nhân gây bệnh do nhiều yếu tố như chất lượng con giống, môi trường (liên quan cơ sở hạ tầng). Hệ thống nuôi tôm được bố trí hoàn toàn trong nhà kính là phương pháp nuôi hiện đại, hoàn toàn khép kín; vì vậy có thể hạn chế tác động xấu của môi trường, dễ kiểm soát, chăm sóc quản lý thuận tiện và cho năng suất cao.

Nuôi tôm trong nhà kính đòi hỏi phải bố trí hệ thống máy quạt nước và ôxy đáy đủ công suất, hoạt động 24/24 giờ. Để quản lý tốt môi trường nuôi định kỳ xiphong đáy 3 – 4 ngày/lần, loại bỏ hết chất thải bùn đáy kết hợp sử dụng men vi sinh 5 ngày/lần. Đặc biệt nuôi tôm theo công nghệ này đòi hỏi lượng nước bổ sung rất ít (1 – 2%/ngày), nguồn nước có thể được tận dụng cho vụ nuôi sau.

Công nghệ nuôi tôm trong nhà kính được áp dụng phổ biến tại các nước tiên tiến. Ở Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Hải Nguyên (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) là đơn vị đầu tiên áp dụng mô hình này, hiệu quả rất cao. Với quy mô hiện đại và khép kín nên đáp ứng được nhu cầu nuôi với mật độ cao, trung bình 200 – 290 con/m2, tôm sau 100 – 105 ngày có thể thu hoạch, tôm đạt kích thước 30 – 33 con/kg, năng suất khoảng 80 tấn/ha. Điển hình, có những ao sau thu hoạch đạt 87 – 90 tấn/ha. Do tôm nhanh lớn, không mất thời gian cải tạo ao nuôi, không bị ảnh hưởng mùa vụ nên có thể nuôi 3 – 4 vụ/năm, đạt tổng sản lượng trên 240 tấn/ha/năm. Tôm nuôi trong nhà kính có nhiều ưu điểm, như sức tăng trưởng nhanh, đặc biệt là tôm thương phẩm sau khi thu hoạch bóng, đẹp, nên dễ  tiêu thụ và giá bán cao. Với lợi nhuận lớn, hiện nay có nhiều công ty đã đầu tư nuôi TTCT trong nhà kính, như Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh và Công ty TNHH Việt-Úc (Bạc Liêu).

Nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học

Nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học là hình thức nuôi tôm thâm canh, sử dụng chế phẩm sinh học thay thế thuốc kháng sinh, hóa chất ổn định môi trường ao nuôi và kiểm soát dịch bệnh trên tôm nuôi. Công nghệ nuôi này được ứng dụng nhiều tại các vùng nuôi trên cả nước và đã được khẳng định có tác dụng phòng bệnh do vi khuẩn Vibrio gây nên, trong khi dùng kháng sinh không hiệu quả. Bổ sung một số chế phẩm sinh học trong nuôi tôm thâm canh đơn giản, dễ áp dụng, không đòi hỏi đầu tư lớn nhưng mang lại nhiều lợi ích: cải thiện môi trường ao nuôi, kích thích hệ vi sinh vật hữu ích phát triển, ức chế vi sinh vật gây bệnh, phân hủy các chất hữu cơ, chất thải, kìm hãm sự phát sinh khí độc NH3, H2S, tạo môi trường nuôi ổn định.

Trong nuôi tôm, môi trường ao nuôi thuận lợi cho vi khuẩn Vibrio và một số tác nhân gây bệnh khác phát triển và nhanh chóng bao vây quanh tôm nuôi. Vibrio phát triển, bám vào tảo, xâm nhập và phát triển nhanh trong hệ tiêu hóa của tôm nuôi. Sử dụng chế phẩm sinh học để loại trừ các mầm bệnh bằng quá trình cạnh tranh, ức chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh trong môi trường ao nuôi bằng các vi sinh vật có lợi cho tôm. Hơn nữa, chế phẩm sinh học còn bổ sung một số vi sinh vật sống để cải tiến sự cân bằng vi sinh hệ trong đường ruột, giúp tôm sử dụng, chuyển hóa và hấp thụ thức ăn tốt hơn. Một số chế phẩm sinh học cung cấp các vitamin, khoáng chất kích thích, làm tăng sức đề kháng tự nhiên cho tôm nuôi.

Nuôi tôm vi sinh là phương pháp thay thế hữu hiệu trong việc phòng và trị bệnh trên tôm; đồng thời hướng đến một ngành nuôi tôm bền vững, thân thiện môi trường, mang đến sản phẩm chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng. Áp dụng phương pháp này, đầu năm 2014, nhiều mô hình nuôi tôm đã thành công ngay trong vùng dịch ở một số tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau. Điển hình có ông Phạm Thái Hòa (ấp Bửu 1, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Cà Mau), trong khi các hộ nuôi trong vùng đều bị thiệt hại do dịch bệnh thì mô hình của ông Hòa với 2 ao nuôi, diện tích 4.400 m2, thu được 8,5 tấn, lãi 850 triệu đồng.

Nuôi tôm sinh thái

Mô hình nuôi tôm sinh thái đã xuất hiện ở ĐBSCL, hay chính xác hơn là ở Cà Mau, hơn 10 năm nay. Mô hình đầu tiên được triển khai tại Lâm ngư trường 184 (Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển) do Thụy Sĩ tài trợ. Tiếp theo đó, Công ty CP XNK Thủy sản Năm Căn làm đối tác bao tiêu sản phẩm tôm sinh thái cho gần 350 hộ dân trong khu vực rừng phòng hộ Kiến Vàng hơn 2.500 ha.

Mới đây nhất, dự án nuôi tôm sinh thái có chứng nhận quốc tế, được thực hiện bởi Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và IUCN đã được triển khai cho hơn 780 hộ dân trong tổng số gần 2.000 hộ gia đình đang sống trong rừng ngập mặn Nhưng Miên.

1389146.jpg

Ở Việt Nam, nuôi tôm sinh thái diễn ra theo mô hình “tôm – rừng tách biệt” hoặc “tôm – rừng kết hợp”. Nuôi tôm sinh thái kết hợp với rừng ngập mặn mang lại nhiều lợi ích rất lớn. Về mặt xã hội, nuôi tôm sinh thái đem lại sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi tích tập thể (cộng đồng); cuộc sống người dân ven biển được cải thiện… Về mặt môi trường, nuôi tôm sinh thái giúp duy trì đa dạng sinh học, phòng hộ đê, hạn chế xâm nhập mặn và thích ứng biến đổi khí hậu.

Tôm sinh thái được nuôi trong rừng sản xuất hoặc rừng phòng hộ. Tỷ lệ rừng trên 50%, mật độ thả tôm thấp, 2 – 3 con/m2. Diện tích ao (vuông) nuôi không giới hạn, 2 – 10 ha/vuông. Vuông nuôi được xây dựng có bờ bao vững chắc, đảm bảo giữ được nước và cần có thêm ao ương dưỡng tôm giống với diện tích 200 – 500 m2/ao, sâu 0,6 – 0,8 m.

Trước khi thả tôm ra ao, cần phải ương dưỡng tôm trong ao ương dưỡng tôm giống để hạn chế thất thoát tôm. Trong vuông nuôi có các trảng rừng xen kẽ các mương nuôi tôm. Trảng rừng ngập nước là nơi cư trú lý tưởng cho tôm; tán rừng che mát ổn định nhiệt độ và giảm thoái hóa đất.

Lợi thế của mô hình nuôi tôm sinh thái là giảm được chi phí đầu tư thức ăn và thuốc phòng trị bệnh, chế phẩm sinh học do tôm chủ yếu sử dụng thức ăn tự nhiên, phân hữu cơ hoặc vi sinh có kiểm soát. Đặc biệt, không dùng hóa chất, thuốc kháng sinh trong sản xuất; đảm bảo chất lượng tôm sạch. Ngoài ra, lá cây rơi xuống vừa là nguồn phân xanh rất tốt vừa là thức ăn cho tôm, thông qua phát triển thức ăn tự nhiên.

Bên cạnh những ưu điểm kể trên, mô hình cũng gặp một số trở ngại, như sự tích tụ quá mức của lá cây rừng làm ô nhiễm nước, thiếu ôxy, thiếu ánh sáng, về lâu dài giảm thức ăn tự nhiên… Trảng rừng sẽ bị bồi lắng và cao dần, cây rừng chậm lớn.

Nuôi tôm trên cát

Nuôi tôm trên cát được coi là mô hình nuôi tôm hiệu quả, nhất là tại các tỉnh ven biển miền Trung. Từ khi TTCT được di nhập vào Việt Nam, nhiều vùng đất cát trắng đã thành vùng nuôi, farm nuôi chuyên canh TTCT. Các địa phương có nghề nuôi tôm trên cát (như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế…) đã tận dụng tối đa diện tích đất hoang, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho dân cư ven biển, giảm áp lực khai thác hải sản ven bờ. Nuôi tôm trên cát năng suất bình quân 8 – 10 tấn/ha. Điển hình có Công ty CP Đức Thắng, xã Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình năng suất đạt trên 30 tấn/ha.

Ưu điểm của nuôi tôm trên cát: khả năng mở rộng diện tích lớn; cải tạo ao, thu hoạch dễ dàng, nhanh chóng, do ao được lót bạt hoặc bê tông hoàn toàn; đặc biệt, có thể thả nuôi với mật độ cao, chủ động được mùa vụ. Tuy nhiên, đòi hỏi chi phí ban đầu cao và phải có kỹ thuật nuôi tốt.

Không thể phủ nhận những lợi ích từ việc nuôi tôm trên cát, tuy nhiên, nghề nuôi này cũng phát sinh nhiều hệ lụy xấu đối với môi trường đất và nước, nhất là nuôi tôm tự phát.

Nuôi tôm trên cát ảnh hưởng tới rừng phòng hộ, làm giảm nguồn nước ngầm, gây ra sự nhiễm mặn. Lượng chất thải (bùn) và nước thải từ nuôi tôm trên cát ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Việc làm ao, đắp bờ và mở đường đi lại đều phải đào xới đất cát làm ảnh hưởng đến mức độ gắn kết, tạo điều kiện cho hiện tượng cát bay, bão cát. Vì vậy, việc phát triển nuôi tôm trên cát cần đi đôi với bảo vệ rừng phòng hộ. Nhiều nơi việc nuôi tôm trên cát còn phá vỡ cảnh quan du lịch tự nhiên.

Để nuôi tôm trên cát hiệu quả, các địa phương cần quy hoạch tốt vùng nuôi, áp dụng nhiều quy trình nuôi khác nhau.

>> Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ Biofloc đầu tiên trong nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng được Th.s Nguyễn Thị Thu Hiền (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I) thực hiện từ năm 2011 – 2013, cho kết quả tốt.

5 nguyên tắc dùng thuốc thủy sản

1 – Thuốc thủy sản sử dụng phải được pháp luật cho phép: Chỉ sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh nằm trong danh mục được phép sử dụng. Tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc đã bị cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản.

2 – Không nên sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vật thủy sản nuôi vì dễ làm cho vi khuẩn “nhờn thuốc” hay kháng thuốc. Chỉ dùng kháng sinh để điều trị sau khi đã xác định được mầm bệnh.

3 – Chọn kháng sinh phù hợp với mục đích sử dụng: Chỉ định dùng thuốc theo phổ tác dụng. Nếu đã xác định được vật nuôi nhiễm khuẩn nào thì dùng kháng sinh theo phổ hẹp đối với vi khuẩn đó. Dùng đủ liều để đạt được nồng độ mong muốn và ổn định. Không dùng liều tăng dần. Chọn thuốc theo dược động học (hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ) phụ thuộc vào nơi nhiễm khuẩn và tình trạng bệnh của vật chủ.

Khi mua thuốc, chỉ mua thuốc có bao gói còn nguyên vẹn, trên bao bì phải có các thông tin như tên thuốc, thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, mã số lô, tên cơ sở sản xuất. Trong thực tế, mỗi công ty sản xuất thường đặt cho sản phẩm của mình một “tên thương mại” để phân biệt với các sản phẩm cùng loại của các công ty khác đang cạnh tranh trên thị trường. Nhiều khi nhà sản xuất tìm ra công thức phối hợp 2 hay nhiều loại hoạt chất với nhau để tạo ra một sản phẩm có tính năng trội hơn các sản phẩm khác chỉ có 1 hoạt chất kháng sinh. Vì vậy, khi mua sản phẩm để sử dụng, nên đọc và tìm hiểu kỹ thành phần các hoạt chất có trong đó hơn là chỉ đọc cái tên thương mại của nó.

4 – Sử dụng, bảo quản thuốc đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất: Liều lượng, thời gian sử dụng phải tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Không sử dụng thuốc kém chất lượng (hết hạn sử dụng, bảo quản không đúng cách, không rõ nguồn gốc xuất xứ). Phải bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, để cách biệt với dầu máy, hóa chất độc và thức ăn. Các loại thuốc đã mở bao gói nếu dùng chưa hết phải được cột chặt, tránh thuốc bị ẩm làm giảm chất lượng.

5 – Khi làm việc với thuốc, người sử dụng phải sử dụng phương tiện bảo hộ lao động (đeo khẩu trang, găng tay…).

Chinese (Simplified)EnglishJapaneseVietnamese